SÁNG LẬP VIÊN

ancientgreece1

BA MỤC ĐÍCH CỦA HỘI * ẤN TÍN HỘI * BLAVATSKY * TTH QUỐC TẾ * TTH VIỆT NAM

HAI VỊ SÁNG LẬP
HỘI THÔNG THIÊN HỌC


Hội Thông Thiên Học  có nhiều sáng lập viên, trong đó hai người có công lớn nhất là ông Henry Steel Olcott và bà H.P. Blavatsky. 

HENRY STEEL OLCOTT

hsoĐại tá Henry Steel Olcott là sáng lập viên và Chánh Hội Trưởng đầu tiên của hội từ năm 1875 đến khi ông tạ thế năm 1907. Ông sinh ngày 2 - 8 - 1832 tại Orange, New Jersey, Hoa Kỳ. Cha ông gặp khó khăn nên ông không thể tiếp tục việc học lên đại học mà quay sang nghề nông, dầu vậy sự chuyên tâm về ngành này khiến ông có được tiếng tăm trên quốc tế lúc 23 tuổi, do nghiên cứu của ông về nông trại kiểu mẫu canh tác theo khoa học tại Newark. Ông được chánh phủ Hy Lạp mời làm Khoa trưởng khoa Canh Nông tại đại học Athens  nhưng ông từ chối. Ông cùng với người khác thành lập trường Westchester Farm School gần Mount Vernon, New York, là trường đầu tiên về khoa Canh Nông tại Hoa Kỳ. Tác phẩm đầu tiên của ông là quyển Sorghum and Imphee thành sách giáo khoa và khiến ông lúc 25 tuổi được chính phủ đề nghị gửi đi công tác sang Nam Phi về thảo mộc,  cử làm giám đốc Sở Canh Nông tại Washington, và quản lý hai trại lớn. Tuy nhiên ông từ chối tất cả. Năm 26 tuổi ông đi Âu Châu tìm hiểu về canh nông, bài tường thuật của ông đuợc đăng trong American Cyclopedia. Ông làm thông tín viên cho báo Mark Lane Express tại London, Chủ Biên Phụ về Canh Nông cho tờ New York Tribune, và xuất bản thêm hai quyển sách về canh nông. Do công việc của ông trong lãng vực công về việc cải tổ canh nông, ông được trao tặng hai huân chương danh dự và chiếc cúp bạc.

Khi làm thông tín viên cho tờ New York Tribune, ông can đảm lấy tin trong những trường hợp nguy hiểm đến tính mạng do cuộc nội chiến Nam-Bắc. Ông gia nhập quân đội miền Bắc (chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ người da đen) và tham chiến trong suốt chiến dịch North Carolina. Sau đó ông được chọn làm Ủy viên Đặc biệt cho bộ Chiến Tranh và sau đó là bộ Hải Quân để điều tra về các vụ gian lận. Kết quả việc làm khiến ông được khen ngợi là đã trong sạch hóa ngành công vụ, khiến hai bộ này lấy lại được thanh danh. Cũng trong thời gian này ông học về luật và tốt nghiệp năm 1868, bắt đầu hành nghề luật từ đây tới năm 1878. Ông chuyên về quan thuế, lợi tức và bảo hiểm với những khách hàng như New York City, N.Ỵ, Stock Exchange, Mutual Equitable Life , Panama Railways, The United Steel Manufacturers of Sheffield, England. Ông cũng là bạn thân của văn hào Mark Twain và những tác giả nổi tiếng khác.

Ông chú ý đến Thông Linh Học (Spiritualism) từ năm 19 tuổi, năm 1874 ông tường trình về hiện tượng siêu hình ở trại Eđy cho tờ New York Sun và New York Graphic. Bài viết gây sôi nổi dư luận chẳng những trong Hoa Kỳ mà cả nhiều nước khác, và 7 nhà xuất bản tranh nhau để được quyền xuất bản sách. Quyển sách mang tựa People from the Other World ra năm 1875 là một trong những sách đầu tiên nghiên cứu về siêu hình, được Alfred Russel Wallace và Sir William Crookes, cả hai là hội viên hội Khoa Học Hoàng Gia Anh, khen ngợi. Ở trại Eđy ông gặp bà Helena Petrovna Blavatsky, hai người cùng bênh vực cho sự kiện là những hiện tượng siêu hình có thực,  cùng lúc ấy hai vị cố công thanh lọc hóa phong trào thông linh khỏi khuynh hướng duy vật. Hai vị và nhiều người khác thành lập
Hội Thông Thiên Học (Theosophical Society) tại New York, ngày 17 - 11 - 1875. Năm  1878 hai vị dời trụ sở Hội sang Bombay, Ấn Độ, trước khi lên đường ông được thư giới thiệu của tổng thống Hoa Kỳ cho các đại sứ và lãnh sự, và được cấp sổ thông hành ngoại giao đặc biệt của bộ Ngoại Giao, và được ủy nhiệm việc tường trình cho chính phủ về tính cách thực tiễn của việc mở rộng quyền lợi thương mại của Hoa Kỳ ở Á Châu.
Tại Ấn, với tư cách là Chánh Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học, ông mở đường cho việc phục hồi Ấn giáo, Phật giáo, Hỏa giáo, Hồi giáo và những tôn giáo khác ở Ấn, Tích Lan, Nhật và các quốc gia Á châu khác. Ông cũng thúc đẩy cho việc hồi sinh của Phạn ngữ, kết hợp những tông phái Phật giáo của Tích Lan, Nhật Bản, mở đại hội Phật giáo Nam tông cho các nước Miến Điện, Thái Lan và Tích Lan, và cả hai phái Nam và Bắc tông đồng ký vào bản Fourteen Propositions of Buđhism của ông năm 1891. Lá cờ Phật giáo năm sắc ngày nay ở khắp nơi là do ông vẽ kiểu, theo truyền thuyết nói rằng đó là năm sắc trong hào quang đức Phật. Để ghi nhận công lao của ông đối với dân chúng và Phật giáo tại Tích Lan, chính quyền nơi đây đã phát hành tem mang hình ông vào năm 1975, kỷ niệm 100 năm thành lập Hội. Cuốn sách Buđhist Catechism dạy về Phật giáo cho trẻ nhỏ được tông phái các nước chấp thuận, được dịch sang 20 ngôn ngữ và dùng làm sách giáo khoa về Phật giáo trên thế giới.

Ông đi khắp nơi trong nước Ấn để thuyết giảng về Minh Triết Thiêng Liêng và thành lập chi bộ, di chuyển bằng xe lửa, tầu thủy, xe bò, cáng. Trong một năm (1882 - 1883) ông chữa bệnh bằng nhân điện cho người tàn tật, điếc, câm, mù, tâm thần với kết quả tuyệt diệu. Dầu vậy ông phải ngưng việc chữa trị vì nó làm sức khoẻ ông suy yếu. Tình trạng phân chia giai cấp tại Ấn khiến ông lập nhiều trường học miễn phí cho người thuộc giai cấp thấp nhất bị gạt bỏ của Ấn, các trường này vẫn tiếp tục hoạt động hiện nay, cung cấp chẳng những việc giáo dục mà luôn cả bữa ăn trưa cho học sinh. Ông lập nhiều trường Ấn giáo cho nam sinh Ấn, và trường Phật giáo cho trẻ em Phật giáo tại Tích Lan. Tích Lan khi ấy là thuộc địa của Anh và phải chịu những tình trạng khe khắt, như hôn lễ của hai Phật tử theo luật phải cử hành trong nhà thờ Thiên Chúa giáo và những chèn ép khác về mặt tôn giáo. Ông sang Anh can thiệp và nhờ vậy Phật tử tại Tích Lan được hưởng tự do không còn bị kỳ thị, và lễ Wesak (Phật Đản) được nhìn nhận làngày lễ cho cả nước.

Việc làm của ông được đức giáo hoàng Pio Nono chính thức ban phép lành, đức tăng thống tại Tích Lan, hàng giáo phẩm cao cấp của Phật giáo tại Miến Điện, Thái Lan và Nhật Bản  ban phước (ông qui y ngũ giới và trở thành Phật tử năm 1880), và được nhận vào giai cấp Brahmin (Bà la môn) của Ấn vì công trạng đáng khen cho Ấn giáo. Ông qua đời ngày 17 - 2 - 1907, do công lớn của ông đối với hội, ngày 17 - 2 được gọi là ngày Adyar, một phần vì ông đã tạo dựng những cơ sở đáng kể tại Adyar, trong đó phải kể tới thư viện Adyar. Đây là nơi chứa đựng nhiều kinh điển xưa của Ấn giáo và những tôn giáo khác.  Khi thư viện được khánh thành năm 1886, đây là lần đầu tiên giáo sĩ Ấn giáo, Phật giáo, Hỏa giáo và Hồi giáo cùng ban phép lành cho một công cuộc chung.

HELENA PETROVNA BLAVATSKY

hpb1H.P.Blavatsky (1831 - 1891) là một trong những nhân vậït lạï thường và gây nhiều sôi nổi nhất của thế kỷ 19.  Giáo huấn, tác phẩm, đời sống của bà cho ảnh hưởng đáng kể đối với tư tưởng trên thế giới từ đó tới nay về nhiều mặt như  khoa học, triết lý, tôn giáo.

Helena Petrovna von Hahn sinh tại Ekaterinoslav, một thị trấn bên bờ sông Dnieper miền nam nước Nga ngày 12 - 8 - 1831 (theo lịch cũ của Nga, theo lịch mới đó là 31 - 7). Cha bà là đại tá Peter von Hahn, mẹ là Helena de Fadeyev, một tiểu thuyết gia có tiếng được ví như  George Sand của Nga. Bà ngoại là công nương Helena Dolgorukov thuộc dòng quý tộc và là nhà nghiên cứu về thảo mộc học cũng như là nhà văn; bà giao tiếp với nhiều khoa học gia đương thời và một khoa học gia dùng tên bà đặt cho một mẫu hóa thạch họ tìm ra. Mẹ của Helena mất sớm năm 1842, khi ấy cha bà đưa các con về ở cùng ông bà ngoại tại Saratov, nơi ông ngoại Andrew Fadeyev là thống đốc tỉnh này.
Helena là đứa trẻ đặc biệt, có nhiều khả năng tâm linh khiến gia đình và thân hữu thấy lạ lùng. Bà cũng chơi dương cầm tài giỏi và biết nhiều ngôn ngữ. Năm 17 tuổi bà thành hôn với ông Nikifor V. Blavatsly, phó thống đốc tỉnh Yerivan. Cuộc hôn nhân có vẻ như là cớ để bà được tự do, thoát khỏi sự chi phối bó buộc mà thiếu nữ gặp phải trong xã hội bấy giờ. Chỉ vài tháng sau bà bỏ nhà ra đi và khởi  sự du hành rộng rãi ở Thổ Nhĩ  Kỳ, Ai Cập, Hy Lạp do cha bà chu cấp.
Năm 1851 tại London bà gặp nhân vật mà bà đã cảm biết sự hiện diện cũng sự che chở của ngài từ lúc nhỏ, là đức M. (Morya) người Ấn Độ.  Dường như ngài thuộc phái đoàn của hoàng gia Nepal sang gặp nữ hoàng Victoria. Trong cuộc gặp mặt này ngài cho bà hay về phần việc bà sẽ làm mai sau. Cuối năm đó, Helena sang Canada, phiêu lưu mạo hiểm tới những vùng khác nhau của Hoa Kỳ, Mexico, nam Mỹ, và đi tới Ấn Độ năm 1852. Bà về Anh năm 1853. sang năm 1854 bà đi Hoa kỳ lần nữa, năm 1855 qua Ấn Độ và kỳ này vào được Tây tạng gặp chân sư  M. thầy của bàvà học tập điều huyền bí với ngài.
Helena trở về Nga năm 1858, sống một thời gian với gia đình. Từ năm 1860 đến 1865 bà du lịch vùng Caucasus, cũng từ đây bà làm chủ được hoàn toàn những quyền năng huyền bí của mình. Năm 1865 bà qua Ấn Độ đi tới Tây tạng lần nữa, kỳ này bà gặp được chân sư  Koot Hoomi (K.H.), ngụ tại nhà của ngài trong thời gian huấn luyện ở đây. Cuối năm 1870 bà về Hy Lạp, thuyền chở bà bị đắm nhưng bà cùng một số hành khách được cứu thoát  và đưa về Ai Cập. Helena đi Cairo lập hội về Thông Linh học (Spiritualism) nhưng thất bại chỉ trong thời gian ngắn sau đó. Bà về lại Nga với gia đình năm 1972. Sang 1873 bà qua Paris theo lệnh của chân sư. Helena ở đó vài tháng và rồi cũng theo lệnh của ngài bà sang Hoa Kỳ, tới New York ngày 7 - 7 - 1873.
Lúc đó Helena 42 tuổi, theo cái nhìn của các chân sư bà là dụng cụ tốt nhất có được lúc bấy giờ cho công việc mà các ngài dự trù, là đưa ra thế giới hình thức mới của Minh Triết Thiêng Liêng hay Theosophia, cái khối Chân Lý mà các tôn giáo lớn hay nhỏ đều chỉ là các nhánh của thân cây chính. Công việc của bà là chất vấn một mặt niềm tin và giáo điều cố hữu từ lâu của thần học Thiên Chúa giáo, mặt kia quan điểm duy vật cũng đầy nét tín điều của khoa học bấy giờ. Vào thời điểm đó Thông Linh học đang là mốt thịnh hành, đặc biệt rất sôi nổi tại Mỹ. Helena viết: 'Tôi được gửi tới để chứng tỏ hiện tượng và thực tại của chúng, và để cho thấy sự sai lầm của thuyết về linh hồn người quá vãng của Thông linh học'.

hpbhso


Vào tháng 10 - 1874, HPB gặp đại tá Henry Steel Olcott; về sau bà cũng gặp ông William Quan Judge một luật sư trẻ người Ái Nhĩ Lan về sau đóng vai trò quan trọng trong hội. Ngày 7 - 9 - 1875, ba nhân vật này cùng một số người khác thành lập hội Theosophia để quảng bá những chân lý bất biến của Minh Triết Thiêng Liêng, cái là căn bản tinh thần của những phong trào tâm linh lớn khác trong quá khứ như Neo-Platonism (Tân Plato), Gnosticism (Thuyết Thông giáo). Đại tá Olcott đọc diễn văn khai mạc hội ngày 17 - 11 - 1875 và ngày này được xem là ngày hội dược chính thức thành lập.
Ban đầu mục đích của hội có tính tổng quát là 'thu thập và phổ biến hiểu biết về những luật quản trị vũ trụ'; sau vài thay đổi nhỏ trong cách dùng chữ, ngày nay ba mục đích của hội là:
1. Tạo một tình huynh đệ đại đồng, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, phái tính, giai cấp hay màu da.
2. Khuyến khích việc học hỏi và đối chiếu Tôn Giáo, Triết Lý và Khoa Học.
3. Nghiên cứu những định luật thiên nhiên chưa giải thích được và những quyền năng ẩn tàng trong con người.

Năm 1877 HPB cho ra tác phẩm đồ sộ đầu tiên của bà là Isis Unveiled, gây nên chấn động mạnh mẽ trong giới trí thức tây phương bấy giờ. Một ngàn quyển của ấn bản đầu tiên bán hết trong vòng mười ngày. Isis Unveiled gồm hai quyển, quyển một nói về khoa học và quyển hai nói về tôn giáo. Nó ghi lại lịch sử,  phạm vi và sự phát triển của khoa Huyền Bí học, bản chất và nguồn gốc của Huyền thuật, căn nguyên của Thiên Chúa giáo, những sai lầm của thần học Thiên Chúa giáo,  các ngộ nhận của khoa học chính thống so với giáo huấn mật lưu truyền trong bao thế kỷ qua, thỉnh thoảng lộ ra dưới hình thức những phong trào huyền bí trong hai ngàn năm qua. Sách vẫn tiếp tục được xuất bản hiện nay với ít nhất ba ấn bản khác nhau.
Ngày 8 - 7 - 1878 HBP trở thành công dân Hoa Kỳ, đến cuối tháng 12 bà cùng ông Olcott sang Ấn Độ. Hai vị đến Bombay tháng hai 1879, trong vài năm trụ sở hội đặt tại đây  cho đến khi dời về Adyar, Madras năm 1882. Chỉ vài ngày sau khi tới Ấn, hai vị được ông Alfred Percy Sinnett  tiếp xúc làm quen, khi ấy ông Sinnett là chủ bút tờ báo The Pioneer có thế lực trong giới cai trị nguời Anh tại Ấn. Việc giao tiếp này về sau tỏ ra có tầm quan trọng hết sức lớn lao cho hội. Tháng mười năm 1879 hai vị cho ra tạp chí Thông Thiên Học đầu tiên gọi là The Theosophist  hiện nay vẫn còn lưu hành, với HPB làm chủ bút. Hội mau lẹ bành trướng và hội thu hút nhiều nhân vật đáng nói tại Ấn và nơi khác. Trong thời gian này Emma Coulomb một người quen với HPB lúc bà ngụ tại Cairo  nay bị khó khăn, bắt liên lạc với bà và nhờ giúp đỡ; HPB nhận lời, thuận cho cho hai ông bà Coulomb đến cư  ngụ chung với hai vị và coi sóc việc nhà.
Vào tháng 5 - 7 - 1880 hai vị sang Tích Lan, chuyến đi này khởi đầu cho công việc chấn hưng Phật giáo về sau của ông Olcott. HPB và ông Olcott thọ ngũ giới và chính thức trở thành Phật tử. Tháng 9 - 10 hai vị đến viếng ông bà A.P.Sinnett tại Simla ở miền bắc Ấn . Ông Sinnett tỏ ra quan tâm đặc biệt về hoạt động của hội cùng giáo huấn mà nó đưa ra, ông ngỏ ý muốn liên lạc với các vị chân sư chủ trương lập hội là hai ngài K.H. và M. Lời yêu cầu được chấp thuận, và có sự trao đổi thư từ giữa ông và hai ngài trong vài năm. Dựa vào chỉ dạy trong  các thư nhận được và những kinh nghiệm  khi giao tiếp với hai vị sáng lập hội, ông Sinnett viết hai quyển sách:
- The Occult World, 1881 và
- Esoteric Buddism, 1883
gây ra ảnh hưởng lớn lao trong công chúng tại Âu châu, Mỹ châu, khiến hội được biết tới rộng rãi hơn. Dầu vậy quyển sau có một số lầm lẫn mà HPB phải đính chính trong bộ The Secret Doctrine. Thư của các chân sư gửi cho ông Sinnett từ năm 1880 đến 1885 được xuất bản thành quyển The Mahatma Letters to A.P.Sinnett năm 1923.  Ngày nay nguyên bản những thư của các ngài được lưu trữ tại British Library, London, công chúng có thể xin phép tại văn phòng bản thảo hiếm để xem.
Tháng năm 1882  hội viên đóng góp mua một khoảnh đất lớn tại Adyar, Madras miền nam Ấn và trụ sở hội dời về đây vào cuối năm đó, tiếp tục cho đến hiện giờ. Nơi đây trở thành trung tâm điểm cho hoạt động có tầm mức quốc tế. HPB và ông Olcott đi nhiều nơi trong đất Ấn và Tích Lan bằng xe lửa, xe bò, cáng, ngựa trên đủ mọi loại đường đất để thành lập các chi bộ, tiếp xúc với hội viên, quảng bá MTTL với mục dích chính là làm sống lại ý thức về giá trị tinh thần của kinh sách cổ trong dân Ấn.  Trong những chuyến đi xa ấy ông Olcott dùng nhân diện chữa lành bệnh cho cả trăm ngàn người, người tê liệt từ lâu nay đi được trở lại, người mù nhiều năm giờ thấy như cũ v.v. Lời đồn lan xa, mỗi lần ông đến trạm xe lửa nào là đã có sẵn hàng trăm người bệnh được mang ra đón sẵn ở đó, chật kín sân ga hay phòng đợi. Ông chữa bệnh từ sáng đến tối mịt không có cả giờ ăn trưa hay ăn tối. Về sau, việc liên tục chữa bệnh này gây tổn hại cho sức khỏe nên thầy của ông là chân sư M. ra lệnh chấm dứt.
Tháng hai 1884 ông Olcott sang Anh để vận động với chính phủ Anh về những chính sách bất công của họ đối với người Phật giáo bản xứ tại Tích Lan. HPB cùng đi với ông sang Âu châu, thăm viếng các chi bộ và hội viên tại Anh, Pháp, Đức v.v. Trong lúc hai vị vắng mặt tại Adyar, ông bà Coulomb bịa đặt và vu khống nhiều điều  cho HPB, nói rằng bà đã giả mạo các hiện tượng siêu hình mà đông đảo nhân chứng gọi là phép lạ, một số được thuật trong sách của ông Sinnett nói ở trên. Ban quản trị Adyar sa thải hai ông bà Coulomb. Sau đó hai người được vài nhà truyền giáo Thiên Chúa giáo mua chuộc để mạo viết thư của HPB và làm chứng gian về bà.
HPB quay trở về Ấn dự tính đưa nội vụ ra pháp luật nhưng không được ban quản trị hội chấp thuận, lý do chính là họ không muốn tên tuổi của các chân sư bị nêu ra một cách bất kính, điều không tránh được nếu có tranh cãi trước tòa. HPB rời Ấn đi Âu châu ngày 31- 3 - 1885, không bao giờ trở lại nơi này nữa.  Trong năm 1884 - 1885 hội nghiên cứu siêu hình Society for Psychical Research (SPR) tại Anh mở cuộc điều tra về những hiện tượng nói trên, gửi ông Richard Hodgson qua Adyar tiếp xúc với các nhân chứng và xem xét lời vu cáo của ông bà Coulomb. Tháng 12 - 1885 ông Hodgson viết bản tường trình, cáo buộc HPB là làm gián diệp cho Nga cùng giả mạo những hiện tượng. Từ đó tới nay nhiều người trích lời của Richard Hodgson trong bản tường trình, lập lại rằng HPB dối gạt, chân sư không có thật mà chỉ là sự tưởng tượng, và MTTL  không có giá trị. Dầu vậy về sau này hội SPR nhiều lần tìm cách tách rời với Richard Hodgson và bản tường trình, nói rằng đó chỉ là quan điểm cá nhân mà không phải của hội. Gần đây năm 1986 hội SPR cho xuất bản cuốn sách H.P.Blavatsky and the SPR: An Examination of the Hodgson Report of 1885 do ông Vernon Harrison một hội viên của SPR soạn ra, nhận xét rằng cuộc điều tra của Hodgson năm 1885 có nhiều lỗi, phán đoán sai lầm, thiên lệch, bất công đối với HPB.
HPB sang Ý năm 1885, đến tháng 8 bà tới ngụ tại Wurzburg, Đức, viết bộ The Secret Doctrine. Tháng 7 - 1886 bà dời đến Ostend, Bỉ và tháng 5 - 1887 theo lời mời của một số hội viên tại London bà sang Anh. Sự hiện diện của HPB ở nơi đây làm sinh hoạt của hội khởi sắc mạnh mẽ. Trước hết chi bộ Blavatsky được thành lập,  tạp chí Lucifer được phát hành vào tháng 9 - 1887 với lời tựa ghi mục đích của báo là 'mang ra ánh sáng những điều bóng tối che dấú. Bộ The Secret Doctrine gồm hai cuốn phát hành vào cuối năm 1888. Sách là thành quả rực rỡ cho văn nghiệp của HPB. Tháng mười 1888 HPB thành lập trường Bí giáo Esoteric School cho hội viên nào muốn đi sâu vào triết lý bí truyền. Trường Bí giáo vẫn còn tiếp tục đến ngày nay và mở cửa cho hội viên khi đạt một số điều kiện.
Năm 1889 PHB cho ra quyển The Key to Theosophy, trình bầy dưới dạng vấn đáp chi tiết về MMTL, cái là nền tảng của hội. Cũng trong năm nay hai quyển khác của HPB xuất hiện là The Voice of the Silence và The Book of the Golden Precepts, cả hai là bản dịch từ các cổ thư đông phương mà bà học thuộc trong thời gian huấn luyện ở Tây tạng.
H.P.Blavasky qua đời ngày 8 - 5 - 1891, và được hỏa táng. Để kỷ niệm bà ngày này được gọi là ngày Hoa Sen Trắng, mỗi năm hội viên cử hành lễ tưởng niệm bằng việc đọc một đoạn trong ba cuốn sách theo lời yêu cầu của bà: The Voice of the Silence,  The Ligh of Asia, và The Light on the Path. 
Ngoài những sách do bà viết đã ghi ở trên, HPB còn viết nhiều bài đăng trên báo, tạp  chí, và thư từ liên lạc với thân hữu bằng các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Ý.  Nhiều nỗ lực được thực hiện từ khi bà qua đời để sưu tầm và xếp lại thành sách các văn kiện này, làm tài liệu tham khảo. Cho tới nay ta có bộ 15 cuốn H.P. Blavatsky Collected Writings, The Letters of H.P.Blavatsky, volume 1 (với hứa hẹn thêm 2 volume khác). Mỗi ngày có khám phá thêm nhiều tài liệu mới về HPB, hoặc do bà viết hoặc người khác đồng thời viết về bà. Nhận xét về bà Blavatsky vì vậy thay đổi luôn, thêm vào ý chính rằng bà là huyền bí gia tài giỏi nhất của tây phương từ thế kỷ 19 đến giờ, và là sứ giả của Thiên Đoàn (The Hierachy) trưng ra trở lại Minh Triết Thiêng Liêng từ hơn trăm năm nay.

erechtheonerechtheonerechtheonerechtheon